Trước khi bắt đầu bài viết này có lẽ chúng ta nên thống nhất tên gọi cho địa danh Buôn Ma Thuột, Ban Mê Thuột và Buôn Mê Thuột (viết tắt BMT). Chắc hẳn nhiều người khi về BMT thì có người gọi là Buôn Mê Thuột, lại có người nói Ban Mê Thuột, và cũng có Buôn Ma Thuột. Vậy thì đâu là tên gọi đúng nhất cho vùng đất này. BMT (Bụi mịt trời, Buồn muôn thuở…, có lẽ những người đi trước đã có những liên tưởng đến ý nghĩa này) kết thúc bằng Thuột, Thuột ở đây là tên của vị tù trưởng có công sáng lập buôn làng. Buôn hoặc Ban ở đây là bản, làng. Ma và Mê ở đây gọi theo tiếng dân tộc, là những người đầu tiên sáng lập nơi này, Ma ý là Cha và Mê tượng trựng cho Mẹ. Để rõ hơn chúng ta quan sát bên dưới.
Buôn Ma Thuột: Buôn: làng, Ma là Cha, Thuột: là người có công sáng lập ra buôn làng sớm nhất.
Ban Mê Thuột: Ban tức bản, làng. Mê: là Mẹ, Thuột là tên người.
Buôn Mê Thuột: tên gọi này là sự pha trộn của 2 tên gọi ở trên mà ra.
Nhưng về cơ bản có 2 cái tên xuất hiện trên văn bản hành chính thời Pháp thuộc, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa XHCN VN. Trước năm 1975 Pháp và Việt Nam Cộng Hòa sử dụng tên Ban Mê Thuột, sau 1975 chính phủ ta chuyển sang sử dụng tên Buôn Ma Thuột. Do đó tùy vào mốc thời gian mà mình sẽ sử dụng tên gọi đúng cho vùng đất này để mọi người tiện theo dõi.
Quay trở lại vấn đề chính. Nhiều bạn ngày này có thể đã đến và đi nhiều lần từ Phi trường Buôn Ma Thuột. Nhưng có bao giờ bạn suy nghĩ Phi trường này có tự bao giờ, và ai là người đã xây dựng nó. Trước khi trả lời những câu hỏi đó trước tiên chúng ta cần làm rõ một số khái niệm sau đây: Phi trường: tức sân bay, Phi đạo: tức đường băng.
Ai là người đầu tiên xây dựng Phi trường Buôn Ma Thuột. Người Pháp là những người đầu tiên xây dựng nên Phi trường Ban Mê Thuột vào năm 1950 của thế kỷ trước. Có lẽ thế hệ 9X sau này cũng không thể ngờ là Buôn Ma Thuột cách đây nửa thế kỷ không chỉ có một mà tận hai Phi trường. Đó là Phi trường Ban Mê Thuột và Phi Trường Ban Mê Thuột Đông .
– Phi trường Ban Mê Thuột (Phi trường Lạc Giao): là Phi trường quân sự, nằm ngay trung tâm Thị xã Ban Mê Thuột, ngày nay là khu đất giữa 2 trục đường Lê Thánh Tôn và đường Nguyễn Tất Thành (trước năm 1975 là Đại lộ Tự do), đồng nghĩa với việc bây giờ Phi trường này không còn nữa. Phi đạo của Lạc Giao dài khoảng 1500m (từ Hoa Viên Buôn Ma Thuột đến đường Lê Thị Hồng Gấm).
Phi trường Lạc Giao năm 1957
Phi trường Lạc Giao có thể sử dụng vận tải cơ C47 (tên đầy đủ: Douglas C-47 Skytrain hay là Dakota, là loại máy bay được quân đồng mình sử dụng trong thế chiến thứ 2). C-47 có chiều dài cất cánh 900ft (khoảng 300m), và chiều dài hạ cánh 1640 ft (khoảng 500m. Ngoài ra nơi còn là nơi tiếp nhận máy bay L19 và trực thăng.
Phi trường Lạc Giao năm 1967-1968 – Phi trường Ban Mê Thuột Đông: sỡ dĩ có tên này là vì nó cách trung tâm Thị xã Ban Mê Thuột 8 km về phía Đông (ngày nay là Phi trường Buôn Ma Thuột) là phi trường chính của Ban Mê Thuộc trước năm 1975. Ngoài ra, nó còn có tên là Phi trường Phụng Dực (Phi trường Phượng hoàng) và một cái tên khác nữa là Phi trường Hòa Bình (do nằm ở xã Hòa Bình) với Phi đạo dài: 1800m x 30m. Diện tích sử dụng khoảng: 7.2 hecta (72000 m2)
Phi trường Phụng Dực năm 1968
Phi trường Phụng Dực năm 1972
– Sau năm 1975 Phi trường Ban Mê Thuột Đông (Phụng Dực) được đổi tên thành Phi trường Buôn Ma Thuột và mở lại các đường bay Buôn Ma Thuột đi TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại với chức năng là Sân bay hàng không dân dụng từ ngày 10/03/1977.
– Phi trường Buôn Ma Thuột được cải tạo Phi đạo năm 2003 từ 1800m x 30m thành 3000m x 45m nâng diện tích sử dụng lên đến 16.2 hecta (162000 m2) với chức năng là phi trường phục vụ nhu cầu nội địa do 3 hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air đảm trách. Hiện nay Phi trường Buôn Ma Thuột có thệ tiếp nhận các loại máy bay A320, A321, ATR72, F70 và CRJ-900 đậu cùng một lúc.